Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024

LAO ĐỘNG- TIỀN LƯƠNG - BHXH

Gửi Email In trang Lưu
Quốc hội thảo luận kết quả giám sát thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2005-2012

07/05/2014 14:46

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, ngày 7/6, Quốc hội đã dành cả ngày để nghe và cho ý kiến vào Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Trong phiên làm việc cả ngày, đã có 34 đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề như: Việc ban hành văn bản và tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật giảm nghèo; Việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo; Về kết quả thực hiện các chính sách chung, gồm: chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; chính sách dạy nghề, tạo việc làm; chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe; chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình khuyến nông-lâm-ngư nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo; Về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135 giai đoạn II); Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a); Việc huy động, bố trí nguồn lực dành cho các chương trình giảm nghèo; Về công tác quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra và kiểm toán các chương trình giảm nghèo; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân; Đánh giá nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo; Kiến nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo…
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng: đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như những chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.
Đồng thời, kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ những mặt chưa đạt như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế...
Đề cập đến chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung kinh phí vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các địa phương nghèo, đặc biệt là các trạm y tế xã, các trạm y tế vùng thôn bản để tạo điều kiện cho dân nghèo và DTTS tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mặt khác, đại biểu Thu Anh cho rằng cần phải có chính sách đặc biệt cho các cán bộ y tế; tăng cường đào tạo cán bộ y tế là người DTTS cho các trạm y tế xã, các trạm y tế vùng thôn bản; khuyến khích và hỗ trợ học phí cho con em thôn bản huyện nghèo có trình độ được đi học ngành y với cam kết sẽ quay trở về địa phương.
Phát biểu ý kiến và làm rõ thêm về chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề cơ sở vật chất thì Chính phủ đã ban hành một quyết định về việc đầu tư cơ sở vật chất cho bệnh viện tuyến trong cả nước. Còn đối với tuyến xã và những trạm y tế xã đang xuống cấp, Bộ Y tế đã và đang tìm các nguồn xã hội hóa để khắc phục; đến nay trạm y tế xã ở một số tỉnh đã được đầu tư xây dựng như tại các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế, nhờ các nguồn xã hội hóa, nên tất cả các trạm y tế xã đều được xây hai tầng và có trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia...
Đối với nguồn nhân lực, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn thiếu bác sỹ, nhất là bác sỹ giỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã triển khai đề án thí điểm đưa bác sỹ giỏi về 63 huyện nghèo (nam 3 năm, nữ 2 năm) - những bác sỹ này sẽ được thời đào tạo chuyên khoa sớm hơn so với các bác sỹ bình thường và được tuyển viên chức trước khi đi cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành một Thông tư về việc tổ chức lại đối với y tế tuyến huyện; cụ thể sẽ sát nhập tất cả các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thành trung tâm y tế để giảm bớt đầu mối và trạm y tế xã sẽ trực tiếp trung tâm y tế này. Như vậy, trung tâm y tế sẽ làm nhiệm vụ điều động, luân chuyển bác sỹ tuyến huyện xuống trạm y tế xã...
Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) nêu ý kiến nguồn lực dành người nghèo cần phải đa nguồn vì vậy vấn đề đặt ra là cần bảo đảm các nguồn lực được tập trung, tránh dàn trải; bố trí các nguồn lực phải bám sát tình hình của địa phương, để địa phương chủ động sử dụng, đảm bảo nguồn vốn giảm nghèo hiệu quả, sát thực tế. Bên cạnh ưu tiên các gói chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, thì đại biểu Hương Thảo cho rằng chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo cần phải điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn và gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo; cần xây dựng các giải pháp giảm nghèo đúng hướng từ đó sẽ nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có giải pháp thiết thực hơn. Nên chăng, dạy nghề phải gắn với các chương trình dự án cụ thể của từng địa phương; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp phát triển sản xuất; chính sách cho nhà khoa học liên kết với địa phương qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo.
Mặt khác, đại biểu Lưu Thị Huyền chỉ ra khi Chính phủ triển khai các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo thì cần phải bố trí đủ nguồn lực, đồng thời phải có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm nguồn vốn sử dụng hiệu quả; Xây dựng chính sách người nghèo cũng phải có sự phân nhóm đối với nhóm người nghèo kinh niên; nhóm người nghèo tạm thời để có chính sách phù hợp với từng đối tượng; hạn chế cơ chế bao cấp, cho không mà chỉ sử dụng cơ chế này khi thực sự cần thiết, tránh tình trạng lười lao động, ỉ lại. Các chính sách hỗ trợ nghèo cần phải hướng đến hỗ trợ để phát huy tự lực vươn lên thoát nghèo.
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nêu ý kiến những nơi nào lãnh đạo thực sự quan tâm đến công tác giảm nghèo, làm tốt xã hội hóa trong giảm nghèo, liên kết hóa, doanh nghiệp hóa thì địa phương đó thành công trong xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo nghèo bền vững và ngược lại. Cần phải giúp người nông dân hiểu rằng muốn thoát nghèo bền vững phải bằng chính sức lao động của bản thân bằng cách liên kết từng hộ, liên kết từng xã, liên kết vùng với nhau để có được những mặt hàng hóa chủ lực, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Bên cạnh đó, từ 2010 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời, nguồn vốn của địa phương ủy thác rất thấp. Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội để đảm bảo cân đối cung cầu nhằm giảm nghèo bền vững cho hàng triệu hộ nghèo.
Đại biểu (ĐB) Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đề nghị cần khắc phục tình trạng dàn trải, giảm dần các chính sách cho không, tập trung hỗ trợ sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, ĐB Kim Chi đề nghị hỗ trợ thiết thực để ngư dân yên tâm bám biển...
Cùng với nhiều đánh giá trước đó, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đồng tình cho rằng xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng lại chưa đồng đều và thiếu bền vững.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB Thùy Trang nói mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn đến 60 - 70%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo mới hàng năm còn cao.
Đề cập nguyên nhân của những hạn chế trong lĩnh vực nói trên, ĐB Thùy Trang cho rằng cần nhấn mạnh đến khâu xây dựng và thực thi chính sách.
Theo đó, báo cáo của Chính phủ đã nêu mặc dù các chính sách giảm nghèo được các địa phương đánh giá là phù hợp, nhưng chúng ta lại có quá nhiều chính sách, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Sự “bội thực chính sách”, sự chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa bàn hỗ trợ và kể cả sự thiếu phối hợp trong xây dựng, triển khai thực hiện chính sách thực tế đang là lực cản của việc tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
ĐB Thùy Trang đề nghị khi phân tích đánh giá tính đa chiều của nghèo, cần đánh giá xem người dân đã chi tiêu như thế nào cho hai lĩnh vực quan trọng nhất của hộ gia đình là giáo dục và y tế để đánh giá chất lượng của giảm nghèo
Báo cáo của Bộ kế hoạch - đầu tư cho thấy mức chi tiêu cho giáo dục trong tổng chi tiêu của hộ gia đình nói chung tăng nhẹ từ 9,6% năm 2010 lên 9,9% năm 2012, tuy nhiên các hộ nghèo lại giảm chi tiêu cho giáo dục khoảng 23%. Tương tự, mức chi tiêu cho y tế của hộ gia đình nghèo cũng giảm 22% trong cùng thời kỳ này. Những con số này phản ảnh phần nào chất lượng của việc giảm nghèo còn hạn chế, nhất là ở thời kỳ kinh tế bị suy giảm.
Trong khi đó, ĐB Thùy Trang lưu ý thêm có một nhóm dân cư khác cũng cần được quan tâm, đó là người lao động nhập cư có thu nhập thấp. Nhóm dân cư này thường không thuộc nhóm nghèo nếu chỉ dựa trên yếu tố thu nhập hay chi tiêu. Tuy nhiên, nguy cơ rơi vào nhóm nghèo của nhóm này là khá cao do họ thường không có bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở không đảm bảo và thường nằm bên rìa sự quan tâm của địa phương sở tại…
Thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ đồng tình với những thành tựu mà Chính phủ và cơ quan giám sát đưa ra. Theo Bộ trưởng, trong điều kiện đất nước rất khó khăn, Chính phủ, Quốc hội vẫn dành một nguồn lực rất lớn cho xóa đói, giảm nghèo. Trong 8 năm tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là 864.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất lớn cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng trong lĩnh vực này. Vấn đề đầu tiên được Bộ trưởng đề cập là sự dàn trải trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng cho biết, năm 2014, trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, Quốc hội đã quyết định giãn, giảm tiền với nhiều chương trình xuống còn 50% nguồn lực đầu tư so với kế hoạch nhưng chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới vẫn được giữ nguyên. Nhiệm kỳ 2016 – 2020, nhà nước cũng đã xác định chỉ giữ lại 2 chương trình này.
Theo Bộ trưởng, một trong những nguyên tắc làm cho đồng vốn được sử dụng hiệu quả hơn, đó chính là giao quyền cho các địa phương chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ để sử dụng đồng vốn này theo những mục tiêu, yêu cầu mà trung ương, bộ ngành đã xây dựng. Năm 2013 và 2014, Thủ tướng đã đồng ý giao Tổng cục và cho phép UBND các địa phương có thể dồn toàn bộ số tiền các chương trình trên địa bàn mình làm một chương trình cho hoàn thành, năm sau lại dồn cho chương trình khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, khi thanh tra, kiểm tra lại, hầu hết các địa phương đều nói không làm được, mặc dù rất muốn làm.
Liên quan đến tiêu chí về giảm nghèo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị tiến tới chuẩn nghèo theo thông lệ quốc tế và có cân nhắc đến điều kiện của Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phải xây dựng trong năm 2015 về chuẩn nghèo mới để áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh đoàn Quảng Ninh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ ra ngịch lý “cào bằng” trong tiêu chí hỗ trợ người nghèo hiện nay. Vì mục đích nhân đạo, ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau nhưng việc này làm cho hiệu quả hỗ trợ giảm đi nhiều, thậm chí phản tác dụng.
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chọn nội dung, phạm vi vấn đề để giám sát kỳ này về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo là đúng đắn. Cơ bản các đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tinh thần nghiêm túc, công phu, Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, với các bộ, ngành, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc giám sát đã nhận được sự quan tâm của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cử tri.
Kết luân phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Qua giám sát, Quốc hội tiếp tục khẳng định chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã được kiên trì thực hiện nhất quán, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân. Đây là một nội dung góp phần minh chứng cho tính ưu việt của chế độ ta là kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc, giữa các tầng lớp nhân dân cho nên lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.
Qua giám sát, các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc xây dựng chính sách pháp luật từng bước được hoàn thiện và tổ chức thực hiện đạt kết quả quan trọng. Quốc hội đã ban hành hàng chục luật và nghị quyết về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành hàng trăm nghị định, quyết định, các bộ, ngành có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực giảm nghèo kịp thời qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, qua các cơ quan thông tin tuyên truyền đã góp phần tạo được sự đồng tâm, đồng thuận và sự nhất trí cao hưởng ứng của nhân dân và nhân dân tích cực hưởng ứng. Phát huy được truyền thống đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với báo cáo là tỷ lệ giảm hộ nghèo của nước ta đã đạt và vượt chỉ tiêu, kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Uy tín và hình ảnh của Việt Nam trước bạn bè quốc tế được nâng lên. Cụ thể các chính sách về tín dụng, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, chính sách về giáo dục, đào tạo, chính sách về nhà ở, các chính sách đặc thù cho các dân tộc thiểu số còn ít người như về đất ở, đất sản xuất, chương trình nước sạch, chương trình thủy lợi, khai hoang, định canh, định cư ở các vùng dẻo cao biên giới, chính sách chăm lo cho đồng bào vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được triển khai sát đối tượng và có hiệu quả thiết thực.
Qua phát biểu ý kiến, các đại biểu cũng thấy qua giám sát các đại biểu góp ý Báo cáo cần tiếp thu và phân tích sâu hơn những mặt còn tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này. Đó là hiện nay mức sống của hộ nghèo, các hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu, nghèo có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn cao, khu vực đô thị còn một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp, số người di cư, người phải chịu rủi ro vì biến đổi khí hậu, vì thiên tai gia tăng. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý và điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, có lúc thiếu thống nhất, có lĩnh vực bị buông lỏng hoặc thiếu kiểm tra, giám sát, một số chính sách xã hội còn chậm đổi mới so với chính sách kinh tế. Do đó, chưa động viên, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội và khuyến khích chính người được thụ hưởng chính sách tự vươn lên thoát nghèo, để vươn lên làm giàu.
Qua phiên họp giám sát này, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí Quốc hội cần ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ năm 2015 đến năm 2020, đặc biệt cũng có đại biểu góp ý kiến nên đến năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, đó là tiếp tục duy trì tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất là 1,5%/ năm, đối với các huyện nghèo thì là 4%. Trong đó cần tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo và rà soát lại chuẩn nghèo có ưu tiên đối với các huyện nghèo, các huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện, các xã biên giới, các xã, các thôn, các bản vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo gắn với việc xây dựng nông thôn mới và để thực hiện được phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.
Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lí các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng hơn nữa các chương trình về giáo dục ở các vùng khó khăn. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chấn chỉnh và tăng cường quản lí nhà nước về chương trình giảm nghèo, sớm có bộ chuẩn nghèo mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách về tín dụng, về đất đai, chính sách về dạy nghề, chính sách bảo hiểm, chính sách định canh, định cư và các chính sách hỗ trợ khác để người nghèo được tiếp cận được chính sách để xóa được nghèo, thoát nghèo, tiếp tục vươn lên khá giả hơn.
Đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải phát huy hơn nữa trách nhiệm trong quản lý về chương trình giảm nghèo, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách. Các đại biểu cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân trong việc động viên, giúp đỡ dân còn nghèo để vươn lên thoát nghèo và vươn lên khá giả

Nguồn tin: vnmolisa.gov.vn

Tin khác

Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ làm việc tại Hà Giang (05/05/2014 15:06)

Hợp tác hạt nhân của Việt Nam với Hội hạt nhân châu Á Thái Bình Dương và Hiệp hội công nghiệp hạt nhân Đài Loan (26/04/2014 15:14)

Tôn vinh hoạt động sáng tạo KHCN Việt Nam (26/04/2014 10:40)

Hướng phát triển mới cho cây tỏi (25/04/2014 11:17)

Nền tảng để thoát nghèo bền vững (24/04/2014 17:36)

Trao đổi kinh nghiệm dạy nghề cho nông dân (24/04/2014 17:34)

Kinh tế tập thể - điểm tựa của nông dân (24/04/2014 17:33)

Lập hội nuôi tôm để làm giàu, giảm rủi ro (24/04/2014 17:31)

Sẽ sản xuất giống lúa 800 USD/tấn: Cơ hội “thăng hạng” cho gạo Việt (24/04/2014 17:29)

Lúa giống Tư Chưởng (24/04/2014 17:25)

xem tiếp