Chủ nhật, Ngày 5 Tháng 5 Năm 2024

Việc làm - An toàn lao động

Gửi Email In trang Lưu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

22/04/2020 14:48

Chiều ngày 20/4, theo chương trình Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

 

Phó-Chủ-tịch-Thường-trực-Quốc-hội-Tòng-Thị-Phóng---1--copy--1-_1.jpg

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành

Trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Bộ-trưởng-Bộ-Lao-động---Thương-binh-và-Xã-hội-Đào-Ngọc-Dung-2-copy.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: Giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.
Trong đó, Chương I. Những quy định chung (07 điều) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Chương II. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (37 điều) quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (24 điều), doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (3 điều), tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (3 điều); doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (5 điều) và đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (2 điều);
Chương III. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (18 điều) quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài (6 điều); người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (5 điều); bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (5 điều) và chính sách đối với người lao động sau khi về nước (2 điều);
Chương IV. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động (05 điều) quy định về mục đích đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và trách nhiệm của người lao động trong việc học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
Chương V. Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước (03 điều) quy định về loại hình quỹ; mục tiêu và nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước;
Chương VI. Quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (04 điều) quy định về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; thanh tra về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Chương VII. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm (02 điều);
Chương VIII. Điều khoản thi hành (03 điều) quy định về điều khoản áp dụng đối với doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, thời điểm Luật có hiệu lực thi hành và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
202004201434453617-Toàn-cảnh-phiên-họp--4--copy.jpg
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm bảo đảm minh bạch và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi , bổ sung các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép, về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động.
Dự thảo luật cũng đã bổ sung các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đối với người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước có nhu cầu, phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận người lao động.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước;  các quy định liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm thêm 3 vấn đề.
Bộ-trưởng-Bộ-Công-Thương-Trần-Tuấn-Anh-copy.jpg
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.
Một là, tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.
Hai là, chưa bảo đảm sự thống nhất giữa Tờ trình, mục đích, mục tiêu, sự cần thiết sửa đổi Luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách với các nội dung của dự án Luật; một số nội dung lý giải chưa thể hiện bản chất của việc sửa đổi căn cơ, toàn diện và chưa bám sát các mục tiêu chính sách.
Ba là, dự thảo Luật chưa làm rõ được yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động mà thiên về việc “bảo vệ” đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, điều ước và cam kết quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến, tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có kế hoạch phê chuẩn, chuẩn bị gia nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm, nghiên cứu các ý kiến góp ý sơ bộ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm thêm việc hài hòa hóa với pháp luật của các nước tiếp nhận lao động.
Giảm dần việc đưa lao động giản đơn đi làm việc ở nước ngoài
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chủ-nhiệm-Ủy-ban-Tài-chính---Ngân-sách-Nguyễn-Đức-Hải-copy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kỳ vọng dự án Luật này cần thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ về lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn chất lượng, trình độ lao động, người lao động làm việc ở nước ngoài được đào tạo, có kinh nghiệm ở các nước phát triển quay trở về cống hiến cho đất nước.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về thị trường lao động để có cách quy định phù hợp, đầy đủ đối tượng lao động có thể đi làm việc ở nước ngoài từ lao động chân tay, lao động giản đơn đến lao động trình độ cao.
Chủ-tịch-Quốc-hội-Nguyễn-Thị-Kim-Ngân--1--copy.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thể bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các hành vi nghiêm cấm cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong quy định của Luật. Đề nghị làm rõ hơn việc quy định đơn vị sự nghiệp công lập địa phương đưa lao động đi lao động nước ngoài; cân nhắc lại đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật là “công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại” để phù hợp với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; cơ sở dữ liệu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài có chương trình để quản lý; cân nhắc việc duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Khẳng định dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật với các Luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó-Chủ-tịch-Thường-trực-Quốc-hội-Tòng-Thị-Phóng---1--copy--1-.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra sơ bộ và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước, giữ vững hình ảnh người Việt Nam, danh dự người Việt Nam, đề cao trách nhiệm, chất lượng việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, định hướng lựa chọn ngành nghề có giá trị gia tăng, phù hợp với điều kiện sức khỏe, luật pháp tập quán nước sở tại, tăng cường quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung của Luật nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động, khó lường, phức tạp, khó đoán định về kinh tế, quan hệ cung – cầu, tác động sau đại dịch Covid-19. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đây là những vấn đề cần được cập nhật trong quá trình xây dựng Luật này, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra cần có đánh giá dự báo để kịp thời bảo vệ quyền lợi người Việt Nam lao động ở nước ngoài, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ động thích ứng và gắn kết trong quan hệ kinh tế quốc tế, cân nhắc thận trọng phù hợp với tình hình mới, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội trong chuyển đổi nền kinh tế. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến các doanh nghiệp, chính quyền địa phương./.
Theo quohoi.vn

Tin khác

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (17/04/2020 16:02)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khoảng 3 triệu lao động, 200.000 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chống Covid-19 (31/03/2020 10:20)

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang tổ chức đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh (21/02/2020 14:57)

Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh virus Corona (11/02/2020 11:09)

Trung tâm Dịch vụ việc làm đa dạng các hình thức tuyên truyền, giới thiệu việc làm (07/02/2020 08:50)

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển dụng lao động dịp đầu năm (30/01/2020 16:33)

Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức Hội nghị công chức, viên chức và triển khai nhiệm vụ năm 2020 (15/01/2020 10:46)

Thông báo kỳ thi và phối hợp tổ chức đăng ký thi tuyển lao động theo Chương trình EPS trong ngành sản xuất chế tạo năm 2020 (09/12/2019 10:46)

UBND tỉnh hội đàm với Đoàn đại biểu quận Boeun, tỉnh Chungcheobuk (Hàn Quốc) (09/12/2019 08:21)

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xã giao đoàn đại biểu quận Boeun, tỉnh Chungcheobuk (Hàn Quốc) (09/12/2019 08:19)

xem tiếp