Thứ năm, Ngày 16 Tháng 5 Năm 2024

Chuyển đổi số

Gửi Email In trang Lưu
Hà Giang: Quyết tâm cao, hiệu quả rõ rệt sau 2 năm triển khai Đề án 06 Thứ Tư, 17/01/2024Lượt xem: 111

18/01/2024 08:22

CTTĐT - Có thể nói, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) là một trong những "điểm sáng" trong nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang. Sau 2 năm triển khai, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”, giúp tiết kiệm thời gian, công sức.

 Ngay sau khi Quyết định số 06 ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được ban hành, UBND tỉnh Hà Giang đã khẩn trương ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện. Đồng thời, giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Tổ chức phát động các đợt thi đua, các đợt cao điểm phấn đấu thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06. Trên cơ sở đó, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 giao cho địa phương.

Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đã đề ra, tỉnh Hà Giang đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp để triển khai thực hiện quyết liệt. Qua 2 năm triển khai, trong 17 nhiệm vụ Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ giao, tỉnh đã hoàn thành 08 nhiệm vụ; 08 nhiệm vụ đã triển khai và đang duy trì thực hiện thường xuyên; 01 nhiệm vụ đang triển khai.

Nổi bật đến thời điểm ngày 03/12/2023, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.818/1.876 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 96,9%. Trong đó có 665 dịch vụ công toàn trình, đạt tỷ lệ 88,6% theo chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023. Trong 02 năm 2022 - 2023, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 198.975/ 355.605 hồ sơ, đạt tỷ lệ 56%; tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết đối với 25 dịch vụ công thiết yếu là 564.198 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 274.292 hồ sơ, đạt 49%; riêng năm 2023 đạt 82,6%, tăng 64,8%.

Anh-tin-bai

 

VNPT Hà Giang phối hợp cùng Tổ Công tác Công an huyện Xín Mần, UBND xã Chí Cà, huyện Xín Mần ra quân cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNEID tại chợ phiên xã Chí Cà cho người dân.

Ngày 13/6/2023, tỉnh Hà Giang được Bộ Công an ghi nhận đã về đích hoàn thành chỉ tiêu cấp Căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh, sớm hơn 48 ngày so với mốc thời gian quy định. Kết thúc đợt cao điểm về đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ngày 30/6/2023), tỉnh Hà Giang thực hiện vượt chỉ tiêu về thu nhận định danh điện tử, với 484.526/ 318.910 tài khoản, đạt 152% chỉ tiêu giao; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 83,7%, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh đã thu nhận, đăng ký 601.919 tài khoản/318.910 chỉ tiêu giao, đạt tỷ lệ 188,7%; kích hoạt 399.099 tài khoản/318.910 chỉ tiêu giao, đạt tỷ lệ 125,1%, đứng thứ 15 toàn quốc.

Anh-tin-bai

 

Chiến sĩ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mèo Vạc hướng dẫn và tập huấn cho các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn về phần mềm thông báo lưu trú.

Nhiều ứng dụng của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như trang bị thiết bị quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân, ứng dụng VneID cho 100% cơ sở khám chữa bệnh; thí điểm phương án chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội tại 04 xã với 911/1.109 người tham gia; triển khai thanh toán học phí và các khoản thu khác không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục; thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí; triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử toàn tỉnh, mô hình thông báo lưu trú trên ứng dụng VNEID tại bệnh viện Đa khoa tỉnh; thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID, phần mềm ASM.

Trong 2 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy trì triển khai hiệu quả hạ tầng mạng, đường truyền kết nối, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và các hệ thống thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số và Đề án 06, bao gồm Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC); Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC); Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh (Vnptioffice); Ứng dụng Công dân số tỉnh. Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra các hệ thống, thiết bị để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu theo Hướng dẫn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương chú trọng vào công tác hạ tầng, đặc biệt là phủ sóng mạng viễn thông, internet, điện lưới đến các thôn, bản “vùng lõm” để đảm bảo phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để thực hiện các ứng dụng, tiện ích của Đề án 06 đem lại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các Bộ, ngành Trung ương cùng chung tay tháo gỡ. Hiện nay các Bộ, ngành Trung ương triển khai xây dựng nhiều hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và chỉ đạo điều hành, dẫn đến phát sinh chi phí xây dựng bổ sung tính năng kỹ thuật Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh gặp khó khăn trong công tác quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, như một cán bộ tại bộ phận một cửa phải nhập hồ sơ trên nhiều hệ thống dẫn đến năng xuất công việc, tốn thời gian, chi phí. Chính vì vậy Chính phủ cần sớm xem xét giải pháp thống nhất chỉ sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia là nơi cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức về thông tin thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến, là Cổng duy nhất kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu, hoàn thiện, gửi hồ sơ. Cùng với đó các Bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp tích hợp, liên thông dữ liệu các phần mềm chuyên ngành để thuận lợi trong quá trình sử dụng, theo dõi, chỉ đạo, điều hành và phân tích dữ liệu.

Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 bảo đảm tiến độ, hiệu quả, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn rất nhiều các nội dung, nhiệm vụ mà tỉnh Hà Giang cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành được các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Trong đó, tỉnh phải tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ, phủ sóng điện thoại di động, internet, điện sinh hoạt cho các thôn, bản còn trắng sóng và chưa có điện lưới để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đồng thời phục vụ hiệu quả cho công tác Chuyển đổi số và Đề án 06. Bên cạnh đó cần nhận diện, đánh giá rõ ràng các vướng mắc, điểm nghẽn theo lĩnh vực phụ trách của từng ngành để có giải pháp cụ thể, phù hợp. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, thay đổi thói quen cho mọi người từ trực tiếp sang trực tuyến, góp phần quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số.

Nhìn chung, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Giang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giúp phòng, chống tội phạm. Một trong những yếu tố mang tính quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tế cho thấy, ở ngành, địa phương nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo sát sao, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện Đề án 06 thì ở nơi đó, người dân, doanh nghiệp tích cực, hưởng ứng tham gia, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Nguyễn Đoan

Hagiang.gov.vn

Tin khác

Hà Giang hoàn thành triển khai thí điểm mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử (17/01/2024 01:17)

"Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể" (28/12/2023 02:59)

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số (23/12/2023 10:02)

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững (20/12/2023 10:05)

Triển khai ứng dụng công dân số, trợ lý ảo và tập huấn kỹ năng số cộng đồng (12/12/2023 10:06)

Thanh niên dân tộc thiểu số áp dụng công nghệ 4.0 quảng bá sản phẩm (18/11/2023 03:11)

Đột phá chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá du lịch (17/11/2023 10:10)

Bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ chuyên môn năm 2023 (14/11/2023 10:12)

Bồi dưỡng chuyển đổi số cho lãnh đạo cấp huyện, xã (28/10/2023 03:08)

Tăng cường hợp tác chuyển đổi số toàn diện (18/10/2023 10:13)

xem tiếp