Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Giảm nghèo, bảo trợ xã hội

Gửi Email In trang Lưu
Chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt

20/09/2023 15:53

BHG - Từ tháng 4.2023 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) triển khai thí điểm mô hình chi trả chính sách an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên tại 4 xã, phường, thị trấn gồm: Thị trấn Việt Quang và xã Đức Xuân (Bắc Quang), phường Nguyễn Trãi và xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang). Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả bước đầu, nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Đây cũng là dấu hiệu tích cực để Sở LĐTBXH áp dụng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới.

 Trước đây, để nhận tiền trợ cấp hàng tháng, chị Bùi Thị Thược, đối tượng người khuyết tật nặng, tổ 10, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) phải đến bưu điện để nhận tiền, thì nay, tại nhà chị vẫn có thể nhận đầy đủ số tiền được hưởng qua tài khoản ngân hàng. Chị Thược cho biết: Từ tháng 4.2023 đến nay, cứ mùng 10 hàng tháng, tôi đều nhận được tiền trợ cấp qua tài khoản cá nhân. Đây là điều tôi mong muốn từ lâu, bởi việc phải đi lại với tôi là khá khó khăn. Khi có tiền trong tài khoản, việc mua sắm qua mạng hoặc thực hiện các giao dịch cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. 

Chị Bùi Thị Thược (giữa), tổ 10, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang kiểm tra số tiền trợ cấp xã hội được nhận qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Lãnh đạo Phòng LĐTBXH thành phố Hà Giang cho biết: Thực hiện thí điểm mô hình chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt, Phòng lựa phường Nguyễn Trãi và xã Phương Thiện để triển khai. Đến nay, tổng số đối tượng được chi trả qua tài khoản ngân hàng là gần 300 người, chiếm hơn 76% tổng số đối tượng đang hưởng chính sách của 2 xã, phường. Nhìn chung, việc chi trả chế độ bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt được các đối tượng đánh giá tiện lợi, người hưởng chính sách không mất thời gian đến bưu điện nhận tiền mà tiền chuyển tự động vào tài khoản của đối tượng.

Tương tự, lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện Bắc Quang cho biết: Phòng lựa chọn xã Đức Xuân và thị trấn Việt Quang để thí điểm mô hình chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số hơn 600 đối tượng. Qua khảo sát, cơ bản các đối tượng hưởng chính sách đều ủng hộ phương án chi trả qua tài khoản ngân hàng, bởi phương án này đảm bảo nhanh chóng, đúng, đủ, kịp thời, công khai, minh bạch.

Đánh giá về mô hình chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt tại huyện Bắc Quang và thành phố Hà Giang, lãnh đạo Sở LĐTBXH khẳng định: Việc triển khai mô hình tạo thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc chi trả, thanh quyết toán đảm bảo nhanh chóng, công khai, hiện đại, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, mô hình này cũng thuận lợi và phù hợp với các đối tượng có khả năng, năng lực hiện đang cư trú trên địa bàn thành thị, các xã tiếp giáp với trung tâm đô thị, gần cây ATM, nơi có các phòng giao dịch thường xuyên của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Thực tế đến thời điểm hiện nay, điều kiện về cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tại các huyện chưa phổ biến, các dịch vụ thanh toán chưa đáp ứng nhu cầu trong thanh toán không dùng tiền mặt dẫn đến khó khăn cho đối tượng, đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội khi thanh toán trong mua bán hàng hóa, dịch vụ thông thường; các cây ATM chỉ có ở trung tâm huyện, thành phố nên đối tượng đi rút tiền mặt để phục vụ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn và phát sinh chi phí đi lại, giao dịch ngân hàng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, mới đây, Sở LĐTBXH đã xây dựng phương án chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt. Phương án được thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế, góp phần triển khai hiệu quả các mô hình của Đề án 06; đồng thời tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn: baohagiang.vn

Tin khác

Chương trình phẫu thuật miễn phí cho người khuyết tật tại tỉnh Hà Giang năm 2023 và chương trình thiện nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang (03/07/2023 16:33)

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2023 cho trẻ em mồ côi đang nuôi dưỡng tại Trung tâm (31/05/2023 00:26)

Đại hội Công đoàn cơ sở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 (14/04/2023 17:42)

Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (12/04/2023 07:28)

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang tổ chức kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 7 năm 2023 và tổ chức giải giao hữu thể thao (06/04/2023 09:56)

Bền vững mục tiêu giảm nghèo đa chiều (30/03/2023 16:18)

Chương trình khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em khuyết tật tại các huyện, thành phố tỉnh Hà Giang năm 2023 (21/03/2023 01:18)

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2023 và tổ chức giải giao hữu bóng chuyển hơi nữ (09/03/2023 23:40)

Nỗ lực giảm nghèo nơi biên cương (27/02/2023 15:05)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia tại thành phố Hà Giang (26/02/2023 07:39)

xem tiếp