Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

LAO ĐỘNG- TIỀN LƯƠNG - BHXH

Gửi Email In trang Lưu
Thủ tướng đối thoại với công nhân Đồng bằng sông Hồng

21/05/2018 16:20

Sáng 20/5, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018. Cùng tham dự buổi gặp gỡ có: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; các đồng chí đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương và hàng nghìn công nhân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự buổi đối thoại với công nhân

Áp dụng mô hình xây dựng thiết chế công đoàn, bán nhà giá rẻ cho công nhân

Nhà ở luôn là vẫn đề quan tâm của công nhân. Tại buổi đối thoại, chị Phạm Thị Khuyên, Công nhân Cty TNHH Canon Việt Nam đặt câu hỏi: “Ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại KCN. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao. Tôi đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân thuê, nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân an tâm làm việc”.

Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gõ, giải đáp những thắc mắc của công nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai và Đà Nẵng, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội dành đất xây dựng nhà tại thủ đô. Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Trả lời câu hỏi này của công nhân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: TP luôn xác định chăm lo thiết chế công đoàn công nhân trên địa bàn. Trước đó, TP đã xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. “Tại đây chúng tôi cũng đã xây dựng một số nhà ở công nhân, cho thuê với giá 29.000đ/m2/tháng. TP cũng giao cho huyện Đông Anh đưa vào 2 trường mầm non vào khu vực KCN Bắc Thăng Long. Chúng tôi sử dụng ngân sách thành phố, tháng 8 sẽ triển khai nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, với giá từ 200-400 triệu/căn hộ. Bước đầu, TP sẽ giải quyết dần những khó khăn trên địa bàn Hà nội. Chúng tôi cũng giao cho Tổng Cty vận tải tổ chức xe buýt vào tận các KCN. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư tại khu CN Bắc Thăng long, Quang Minh”, ông Chung cho biết.

Doanh nghiệp thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc

Cũng tại buổi đối thoại, công nhân Nguyễn Hoài Nam,- Cty Cổ phần Prime Group (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Chính phủ và các tỉnh, thành phố sẽ có giải pháp gì để đảm bảo sức khỏe cho người lao động và làm thế nào để tạo điều kiện cho công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ Bảo hiểm?

Về băn khoăn của công nhân, dại diện Bộ Y tế cho rằng, vấn đề bảo vệ sức khỏe cho con người được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Mong công nhân và các doanh nghiệp lưu ý khi làm hợp đồng cần quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe ngoài giờ, có đăng ký, để chúng tôi bố trí nhân lực. Ngoài ra, việc chăm lo sức khỏe cho người lao động cũng có trách nhiệm rất lớn của người sử dụng lao động. Thực sự hiện nay có nhiều chủ sử dụng doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sức khỏe của công nhân.

Về vấn đề khám sức khỏe định kỳ, hiện ít nhất hằng năm NLĐ phải được khám sức khỏe một lần. Tuy nhiên, khi anh em công nhân cảm giác trong người có gì bất thường thì cần đi khám bệnh ngay, để tránh nguy hại đến sức khỏe.

Về vấn đề môi trường lao động, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều đợt thanh kiểm tra, có nhiều chính sách để cải thiện môi trường lao động cho công nhân. Tuy nhiên thời gian tới, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn vấn đề này để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao cho.

Trao đổi thêm về băn khoăn của công nhân, Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của công nhân nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần khu công nghiệp. Góp phần đảm bảo sức khỏe của người lao động có trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị từng doanh nghiệp quan tâm thường xuyên việc cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca của công nhân.

Sức khỏe là điều kiện đầu tiên để người lao động tối ưu hóa tuổi thọ nghề nghiệp, anh chị em công nhân cũng cần lưu tâm giữ gìn sức khỏe, bảo vệ sức khỏe của mình, phản ánh kịp thời với các cấp công đoàn, qua đó kiến nghị, hoàn thiện các quy định của pháp luật

Tiền lương hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động

Liên quan đến nội dung sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, công nhân Trần Thị Thanh - Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) đặt câu hỏi: “Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương công nhân. Mong Thủ tướng xem xét việc này, vì đại đa số công nhân đang hết sức quan tâm, lo sợ ảnh hưởng đến thu nhập?”

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm quan gian trưng bày " tự hào trí tuệ Việt Nam"

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện việc sửa đổi này của Bộ LĐ-TBXH đang lấy ý kiến người dân. Hội nghị TW7 có chủ trương nhà nước sẽ không can thiệp sâu về vấn đề tiền lương của các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động sống được. Nhà nước quy định mức sàn thấp nhất để các doanh nghiệp thương thảo, không được thấp hơn. NLĐ có quyền thỏa thuận với chủ doanh nghiệp, thỏa thuận này có sự can thiệp của tổ chức công đoàn. “Việc bỏ thang bảng lương để tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc cải cách chế độ tiền lương, từ nay đến 2021, Việt Nam sẽ cân nhắc tính toán để đảm bảo quyền của NLĐ và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Lắng nghe tâm tư của công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua ý kiến của công nhân, Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TBXH, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp. Cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.

 Người lao động nam nữ khi nghỉ hưu đều được hưởng 75% lương

Công nhân Hoàng Thúy Lan – Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Đồng (Quảng Ninh) nêu câu hỏi, theo quy định Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018 hầu hết người lao động nữ về hưu có mức lương hưu được hưởng thấp hơn từ 4% - 10% so với nghỉ hưu từ năm 2017, trong khi đó lao động nam chỉ bị giảm từ 2% đến 10% sau 5 năm. Nguyện vọng của lao động nữ rất muốn được bình đẳng tính lương hưu giống như lao động nam kể từ ngày 1/1/2018.

Trả lời thắc mắc này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới luôn được Quốc hội rất chú trọng, quan tâm. Quốc hội cũng thường xuyên có những hoạt động lồng ghép, trao đổi về vấn đề này. Đặc biệt về vấn đề quyền lợi của phụ nữ khi về hưu, Quốc hội có nhiều quyết sách về việc này. Trong đó có việc dù chênh lệch tuổi nghỉ hưu 5 năm, có chênh lệch 5 năm trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhưng lao động nữ vẫn sẽ được hưởng lương hưu như lao động nam, tức là đều được hưởng 75% lương hưu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi thêm: Từ ngày 1/12018, khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới có hiệu lực thì đối tượng lao động nữ bị ảnh hưởng sẽ là 21.000 người, trong đó có 3.000 người có mức độ thiệt hơn. Nhiều đại biểu cho rằng cần phải sửa chính sách để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bộ LĐ-TBXH đang trình các bộ ngành theo hướng sử dụng lãi để cấp bù cho 3.000 người này, đảm bảo quyền bình đẳng giới và nhất định không để chị em phụ nữ bị thiệt thòi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐ-TBXH hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi. Vần đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại, cần được tiếp thu, nghiên cứu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

 

Tại buổi đối thoại, công nhân nêu một số vấn đề về giá điện nhà trọ, tác động của cách mạng 4.0 đối với công  nhân, nhu cầu học tập để nâng cao năng suất lao động… Các ý kiến của công nhân đã được Thủ tướng và các đại biểu trả lời thỏa đáng.

Dẫn nguồn: Trang TTĐT của Bộ Lao động - TB&XH

Tin khác

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2017 (24/03/2017 22:06)

Bộ LĐ-TB&XH: Bình quân thưởng Tết Đinh Dậu 2017 tụt lùi so với năm 2016 (10/01/2017 01:51)

Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (20/09/2016 21:04)

Thông báo số lao động làm việc và tình hình biến động lao động tại các đơn vị, Doanh nghiệp (24/08/2016 22:06)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trúng cử ĐBQH khóa XIV (02/06/2016 08:08)

Khối Văn hóa-Xã hội tỉnh Hà Giang ký kết giao ước thi đua năm 2016 (14/04/2016 10:53)

Tổng kết hoạt động Hội đồng tiền lương quốc gia năm 2015 (04/02/2016 04:26)

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và lương hưu (22/11/2015 07:48)

Phối hợp thực hiện Kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động (17/10/2015 14:50)

Kiểm tra doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động tại các Đơn vị sử dụng lao động quý III/2015 (15/10/2015 07:51)

xem tiếp