Hội thảo chia sẻ kết quả hoạt động rà soát, cơ chế hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, kết hôn trẻ em

27/06/2020 15:47

Sáng 22/6/2020, tại Khách sạn Hà An, Sở Lao động - TBXH phối hợp với tổ chức Plan tại Hà Giang tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả hoạt động rà soát, cơ chế hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, kết hôn trẻ em. Đến dự có đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có trên 270 nghìn trẻ em, chiếm 32% dân số toàn tỉnh; tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trên 7.000 trẻ. Do Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc, phần lớn là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, một số bộ phận còn tồn tại tư tưởng phong tục tập quán lạc hậu. Đây cũng là một trong những lý do nảy sinh nhiều loại tội phạm, trong đó có nhóm tội phạm xâm hại trẻ em: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội giết người. Số lượng vụ án xâm hại trẻ em ngày một gia tăng với diễn biến phức tạp. Dưới tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, công nghệ thông tin tràn ngập, sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội đã dẫn đến việc trẻ em không được trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng sống để tự bảo vệ chính mình. Trong thời gian qua, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, trưởng thôn, bản, tổ dân phố; tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tổ chức công tác truyền thông nâng cao nhận thức; tuyên truyền quảng bá số máy của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) và đường dây nóng phòng chống mua bán người của tỉnh số máy 18001282 để nhân dân tố giác tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em và tìm kiếm thông tin tư vấn các chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đảm bảo kịp thời, đúng quy định; nâng mức trợ cấp, trợ giúp xã hội tại cộng đồng lên 320 nghìn đồng, cao hơn mức chuẩn của Chính phủ quy định 18,5%; nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội lên 60.000 đồng/người/ngày, cao hơn mức quy định của Chính phủ (theo từng loại đối tượng) từ 12,5% đến 87,5%;... Đồng thời công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại được quan tâm thường xuyên, kịp thời…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập chung thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; việc triển khai kế hoạch can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai công tác này; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; việc vận dụng và thực thi các chính sách trong đời sống của các cấp, các ngành đối với công tác trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực, kết hôn sớm ở trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh./.

Tin, ảnh: Đỗ Thị Hồng Duyên - Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới