Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

20/09/2016 21:04

Ngày 7.9, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang đã làm việc với Sở LĐTB&XH về vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động hiện nay. Dự buổi làm việc còn có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh…

Thời gian qua, tình trạng người lao động của tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc làm việc trái phép có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2013 có hơn 17.500 lượt và đến năm 2015 có trên 24.000 lượt người sang Trung Quốc lao động. Những lao động này sang Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo đường mòn, không qua các Cửa khẩu, không có giấy tờ xuất nhập cảnh. Đây là nhóm lao động lớn cần phải có biện pháp quản lý, bảo vệ quyền lợi cho chính người lao động và đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới giáp danh. Hiện nay, mặc dù giữa hai địa phương Hà Giang (Việt Nam) và Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã triển khai thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới. Tuy nhiên, số lượng người lao động xuất khẩu theo diện này mới có 167 người và đến thời điểm này cũng đã tạm dừng do một số vướng mắc từ phía Trung Quốc… Trên cơ sở đánh giá toàn diện vấn đề, Sở LĐTB&XH đã tiến hành xây dựng đề án “Đưa lao động sang Trung Quốc làm việc” đồng thời, cùng với các ngành hữu quan của tỉnh tham mưu, đề xuất về vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động sang nước Nhật Bản và các thị trường khác. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Đào tạo nghề, hỗ trợ dạy tiếng Nhật, quản lý nhân thân, thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú của người lao động tỉnh Hà Giang tại các nước và các vấn đề liên quan.

Sau khi gợi mở một số nội dung để các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, xem xét, Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động thời gian qua đã có kết quả nhất định. Để tháo gỡ khó khăn, các cấp, ngành của tỉnh cần tăng cường công tác đối ngoại, đối thoại với phía bạn để xử lý, tháo gỡ từng nội dung; từng địa bàn cụ thể trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Trong quá trình triển khai, các lực lượng hữu quan của tỉnh cần thực hiện linh hoạt, mềm dẻo, cụ thể có sức thuyết phục để hạn chế tối đa sự phức tạp cũng như đạt được đồng thuận của phía bạn trong vấn đề lao động tự do qua biên giới hiện nay. Với ngành LĐTB&XH, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ngành phải khẩn trương xây dựng danh mục nghề phù hợp với đặc thù của tỉnh, với điều kiện KT-XH của địa phương để thực hiện dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động địa phương. Từ có, các lao động được đào tạo có thể tiến hành khởi nghiệp, thành lập các HTX hoặc doanh nghiêp hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nguồn tiềm lực sẵn có của địa phương. Đối với khu vực các cửa khẩu, biên giới cần nghiên cứu, xem xét thành lập các nghiệp đoàn lao động, có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng xuất khẩu lao động phổ thông cũng như tham gia quản lý nhóm đối tượng lao động tự do hiện nay, đồng chí Triệu Tài Vinh cũng yêu cầu cần phải đánh giá mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân…

http://www.baohagiang.vn