Dạy nghề, lao động trị liệu giúp học viên cai nghiện hòa nhập nhanh với cộng đồng

13/09/2019 16:41

Cùng với việc quản lý, chữa bệnh, giáo dục, cảm hóa thì công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên cai nghiện được Cơ sở chăm sóc PHCN người tâm thần - Cai nghiện ma túy tỉnh luôn chú trọng, nhằm tạo cho học viên chiếc "cần câu" để thắp sáng trong họ niềm hy vọng trở về, vững tin hòa nhập với cuộc sống, làm lại cuộc đời sau vấp ngã.

 

9 tháng năm 2019 Cơ sở đã dạy nghề gắn với mô hình trực quan được 7 lớp cho 59 lượt học viên như: chăn nuôi, trồng trọt, cắt tóc, làm lông mi giả, hàn, điện, mộc. Qua công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết học viên đã nêu cao được ý thức tự giác yêu lao động. Cơ sở xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng sau khi học viên đã cắt cơn giải độc, để học viên không cảm thấy mình là người bỏ đi đồng thời đây cũng là liệu pháp trị liệu tâm lý, trị liệu nâng cao sức khỏe và cũng là phương pháp quản lý hiệu quả tránh tình trạng nhàn rỗi. Tận dụng diện tích đất, nhà xưởng, nguồn lao động sẵn có, cơ sở đã phân các học viên thành các tổ dựa theo sức khỏe, độ tuổi, trình độ của từng học viên để bố trí học nghề, lao động trị liệu cho phù hợp.

Nhờ sự chỉ dạy tận tình của các cán bộ đã giúp học viên tích cực học hỏi, nâng cao tay nghề. Thông qua tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết học viên đã xây dựng, nêu cao được ý thức tự giác trong lao động, yêu lao động, trân trọng và sử dụng tiết kiệm thành quả lao động, yên tâm học tập, điều trị, tích cực học hỏi tiếp thu kỹ năng nghề, nâng cao tay nghề. Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của học viên cũng được cải thiện khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình. Đặc biệt, chính quá trình lao động, học nghề mang lại hứng thú, niềm vui, hy vọng, giúp họ khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, hiểu đúng giá trị bản thân mình. Giờ đây, khi chăm chỉ lao động, họ biết trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác. Với ngành nghề được học, được lao động, sau khi hết thời gian cai nghiện tập trung trở về, nhiều học viên có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo dựng cuộc sống.

            Có thể thấy, có tay nghề và việc làm ổn định sau khi cai nghiện thành công không chỉ là ước mơ của các học viên mà còn là mong mỏi của các gia đình có người nghiện và cả xã hội. Chỉ có lao động và học nghề họ hiểu giá trị của lao động, quý những thành quả mình làm ra, từ đó ý thức được việc làm của mình là rất cần thiết, để những người từng lầm lỡ dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời”./.

Tin ảnh: Nguyễn Tiến Dũng - Cơ sở Chăm sóc PHCN người tâm thần - Cai nghiện ma túy tỉnh Hà Giang