Đào tạo nguồn nhân lực gắn giải quyết việc làm

06/05/2020 07:28

BHG - “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL)” là 1 trong 5 chương trình trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo đạt 55%; trong đó, tỷ lệ qua ĐTN đạt 45% vào năm 2020, nâng tỷ lệ LĐ có việc làm sau học nghề đạt 80% và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững.

 Hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng LĐ trên địa bàn;  từ đó, định hướng việc làm cho người LĐ. Các huyện, thành phố chủ động có kế hoạch và tổ chức khảo sát lực lượng LĐ được ĐTN hoặc chưa qua đào tạo, nhất là đối với các xã điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh để phân loại, đánh giá nhu cầu học nghề và tiến hành mở lớp đào tạo. Hệ thống các trường dạy nghề của tỉnh chủ động chỉnh sửa chương trình, giáo trình các nghề thống nhất trên địa bàn theo chủ trương tăng thời gian thực học; cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, cập nhật công nghệ mới. Đồng thời, tỉnh có cơ chế, áp dụng chính sách linh hoạt nhằm khuyến khích, động viên các nhóm đối tượng tham gia học nghề; liên kết với một số trường đại học, cao đẳng tại các tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên,... đặt hàng đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng LĐ.

Với các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua những cơ chế, chính sách mới, linh hoạt; đã tạo thêm động lực, là cú hích để chương trình ĐTN gắn với GQVL của tỉnh đã, đang đi vào thực chất. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và ĐTN cho 55.000 người. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 70% LĐ sau tốt nghiệp có việc làm, một số nghề, như: Dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, xây dựng, hướng dẫn du lịch, chế biến món ăn đạt 80%. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên 85% LĐ sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, đưa năng suất, thu nhập tăng lên. Hiệu quả ĐTN đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo tăng từ 46% (năm 2015) lên 54% (đầu năm 2020), trong đó, qua ĐTN được nâng lên tương ứng từ 37,1% lên 44%. Cơ cấu LĐ chuyển dịch theo hướng tích cực, đa số LĐ có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng; tùy vào từng vị trí việc làm...

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Sở LĐ – TBXH; trong quá trình triển khai thực hiện chương trình có những hạn chế, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, một số nơi bị xuống cấp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ hữu thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa có sự gắn kết giữa cơ sở ĐTN với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, công tác khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng LĐ chưa được thực hiện đồng bộ; một số cơ sở ĐTN khi mở các lớp dạy nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dẫn đến tình trạng ở một số ngành, nghề học viên học xong không có việc làm hoặc làm không đúng nghề đào tạo... Những hạn chế trên đã được nhận diện và sẽ sớm có giải pháp khắc phục để tỉnh ta từng bước có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC

Nguồn: baohagiang.vn