Nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Mèo Vạc

04/07/2020 14:14

BHG - Tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập; người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo,… là những giá trị được mang lại từ việc triển khai các Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Mèo Vạc thời gian qua.

 ừ năm 2012 đến nay, với nguồn vốn của Chương trình 30a và 135;  huyện Mèo Vạc đã triển khai 14 dự án tại 10 xã với 289 hộ tham gia; gồm các mô hình, như: Nuôi bò, lợn nái, dê sinh sản, nuôi bò vỗ béo… Tổng kinh phí thực hiện trên 4,7 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước gần 3,4 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 1,3 tỷ đồng. Nhìn chung, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, các hộ hưởng lợi được Ban Điều hành Dự án thường xuyên quan tâm, tuyên truyền, vận động trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi; nhờ vậy, đàn gia súc luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó, người dân đã dần thay đổi nhận thức từ nhận hỗ trợ cho không sang nhận hỗ trợ có điều kiện và đã nhận thức được việc cần phải cố gắng sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, đã có 44 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; một số xã thực hiện dự án hiệu quả cao, như: Lũng Pù, Niêm Sơn, Giàng Chu Phìn, Khâu Vai, Lũng Chinh...

Chia sẻ về hiệu quả thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Pù, Giàng Mí Phình, cho biết: Trong 2 năm (2017 – 2018), xã triển khai 2 dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản luân chuyển từ nguồn kinh phí Chương trình 135 với 48 hộ tham gia. Do đây là dự án đầu tư có thu hồi, nên người dân đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc đàn lợn; không chỉ trả được gốc mà họ còn nỗ lực để có lãi. Mặt khác, việc chăn nuôi lợn nái cần ít vốn đầu tư hơn lợn thịt, trong khi lợn con bán được giá cũng là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi. Hiện, các hộ đang tiếp tục duy trì dự án; tổng thu nhập từ bán lợn con đạt trên 530 triệu đồng. Tương tự, tại xã Niêm Sơn, Chủ tịch UBND xã, Hà Văn Thành, cho biết: Từ nguồn kinh phí Chương trình 30a, năm 2017, Dự án chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển đã mang lại cơ hội thoát nghèo cho 16 hộ trên địa bàn xã; với 16 con bò giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, trung bình mỗi con sinh sản được từ 1 – 2 con bê; qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người chăn nuôi…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hiệu quả thực hiện dự án ở một số xã chưa đạt như mong muốn; vẫn còn tình trạng để con giống của dự án bị chết (Dự án chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển tại xã Lũng Pù bị chết 8 con, xã Thượng Phùng bị chết 3 con). Bên cạnh đó, một số dự án do chưa làm tốt công tác khảo sát, phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, dẫn đến hiệu quả thấp; đơn cử như mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Sủng Trà. Nguyên nhân hiệu quả các dự án chưa cao chủ yếu là do một số hộ tham gia dự án vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; nhiều hộ chưa có ý thức trong việc chăn nuôi, như: Không đầu tư thêm vốn mua thức ăn, thuốc thú y và tu sửa chuồng trại… Ngoài ra, do trình độ, nhận thức của một số hộ nghèo còn nhiều hạn chế hay hộ mới lần đầu tham gia dự án chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền xã chưa làm tốt công tác chỉ đạo trong việc triển khai, thực hiện, như: Việc tuyên truyền về nội dung, quyền, nghĩa vụ của các hộ khi tham gia dự án…

Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình triển khai, thực hiện; song, với những kết quả bước đầu đạt được, việc thực hiện các Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo vẫn là bước đi tiếp theo của huyện Mèo Vạc. Qua đó, nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế; đồng thời gắn phát triển sản xuất với giảm nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn: baohagiang.vn